Người mua muốn thêm một vài trái xoài, cô gái nói "cũng không sao" thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô gái mỉm cười: “Trái cây trong vườn mình... bán sao cũng được. Vui vẻ là chính”. Văn hóa chợ nổi, văn hóa sông nước miền Tây là đây chăng?
Người ta vẫn nói: con người thường thích những cái mình không có. Đối với tôi có lẽ đúng. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Phần lớn mọi người nghĩ rằng Hà Nội cái gì cũng nhất.
Riêng tôi lại thích những điều mà Hà Nội không có, hay đúng hơn là những điều Hà Nội thiếu. Nó như một phần cho sự bổ khuyết trong tâm tưởng luôn cầu toàn, trông chờ sự hoàn mỹ của một cô gái thường bị bạn bè coi là đỏng đảnh như tôi.
Hà Nội khiếm khuyết biết bao điều, nào là mùa đông rét như cắt da, cắt thịt; mùa hè oi bức ngột ngạt.... khiến cho những ai từng trải qua đều thấy thèm một chút hơi ấm trong mùa đông và một chút mát dịu trong mùa hè.
Miền Tây đã đem lại điều dịu ngọt đó. Dù thời gian lưu lại nơi này không nhiều, miền Tây vẫn cho tôi sự cảm nhận cùng những rung động sâu sắc. Có thể một ai đó sẽ cho rằng sự thoáng qua này như “Cưỡi ngựa xem hoa” thì làm sao hiểu được miền Tây? Song, tôi luôn thích những cảm nhận rất thật của thuở ban đầu, cái được gọi là ấn tượng.
Ngay khi vừa đặt chân đến Cần Thơ, địa điểm đầu tiên tôi chọn để tới là chợ nổi Cái Răng. Ở Việt Nam, chợ nổi chỉ có ở miền Tây. Tỉnh Cà Mau có chợ nổi Cà Mau. Tỉnh Vĩnh Long có chợ nổi Trà Ôn. Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm. Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy. Chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang. Thành phố Cần Thơ có hai chợ nổi: Phong Điền và Cái Răng.
Chợ nổi là nét đặc trưng văn hóa lâu đời của miền Tây. Ảnh: Phong Lan
Chợ nổi trên sông là một trong những nét đặc trưng ở miền Tây, tồn tại lâu đời và gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực. Vì vậy khi đến Cần Thơ, du khách phương xa vẫn mong được ngắm một chợ nổi Cái Răng sầm uất, hấp dẫn như nó từng có.
Bằng chút ít kinh nghiệm du lịch của mình, tôi nhờ một đồng nghiệp ở Cần Thơ làm hướng dẫn viên và lo việc ăn ở. Nhờ “thổ địa” có nhiều cái lợi: được hưởng những dịch vụ giá gốc, khỏi “boa” cho “người hướng dẫn”, ít gặp sự phiền nhiễu...
Quả thật, chiếc du thuyền chở đoàn chúng tôi có sức chứa hơn 10 người, với hành trình thành phố Cần Thơ - chợ nổi Cái Răng - khu du lịch Mỹ Khánh, đi từ sáu giờ sáng đến xế chiều mới về mà giá chỉ hơn bốn trăm ngàn đồng.
Là dân “đặc sản” vùng sông nước miền Tây, anh hướng dẫn viên tính toán khá chu đáo, còn hơn cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh cho biết: “Chợ nổi Cái Răng họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là từ mờ sáng đến chín, mười giờ, sau đó thì vãn dần. Muốn tham quan chợ nên đi vào lúc sáu giờ rưỡi, đến nơi bảy giờ, là thời điểm chợ hoạt động nhộn nhịp nhất”.
Đúng như anh dự định, sáu giờ rưỡi du thuyền của chúng tôi xuất phát ở bến Ninh Kiều, bảy giờ đến khu vực chợ nổi Cái Răng. Do ảnh hưởng của câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” nên tôi cứ tưởng chợ nổi là những cái nhà bè bồng bềnh trên sông, mọi người sẽ đi lại, di chuyển “nhảy nhót” từ nhà bè này sang nhà bè khác để mua sắm.
Khi du thuyền đến gần chợ nổi, tôi bật cười vì nó không giống như những gì mình đã hình dung. Trên một khúc sông rộng, các phương tiện đường thủy như ghe, thuyền, tắc ráng... tụ tập lại mua bán, trao đổi nông sản, trái cây, hàng hóa, thực phẩm, đồ ăn thức uống...
Số lượng ghe thuyền nhiều đến nỗi choán hết cả khúc sông rộng hơn một ki-lô-mét vuông. Thật là tiện lợi cho ghe mua và ghe bán. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, ghe mua áp sát vào ghe bán chuyển hàng qua, rất nhanh chóng, an toàn.
Những ghe bán hàng thường neo đậu một chỗ, có khi ba bốn chiếc kết lại thành một mảng lớn, ở giữa chừa những luồng lạch cho các ghe thuyền người mua và khách tham quan đi lại. Trên những lối đi ấy, du khách thỏa sức chụp hình, mua hàng hóa, kể cả mua vé số và ăn quà vặt.
Chúng tôi cùng các du khách khác hứng khởi mua đủ thứ: người trái thơm, người ly cà phê đá, người chục xoài, có người còn cầu may bằng vài tờ vé số.... Người mua cứ mua, người bán cứ bán. Không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Thấy du khách giơ máy ảnh, điện thoại lên chụp, những người bán hàng không né tránh mà nhoẻn miệng cười thật tươi, thật tự nhiên.
Bất chợt, tôi có cảm giác, người mua đến mua chẳng phải để mua mà để hòa mình vào cái không khí tất bật của cảnh mua bán, để chiêm nghiệm một cảm xúc được ấp ủ từ lâu hơn là sự mua bán, trao đổi thuần túy.
Còn người bán thật hồn nhiên, dung dị, không thách giá. Họ phần lớn là dân miệt vườn sông nước miền Tây ở Phụng Hiệp, Ngã Bảy (Hậu Giang), Phong Điền và những địa phương lân cận với Cần Thơ đến bán các loại trái cây, nông sản, đặc sản của vùng.
Từ dáng vẻ, khuôn mặt đến giọng nói của họ đều toát lên sự chân chất, dễ dãi. Ngay cả người bán vé số cũng không mang vẻ chua ngoa của thị thành. Những con người có thể chưa giàu, chưa sang nhưng đã thật sự chiếm được sự cảm mến của du khách tới thăm chợ nổi.
Kiểu bán vé số đậm chất người dân sông nước. Ảnh: Phong Lan
Khi chúng tôi đến gần chiếc thuyền bán xoài, một anh bạn trong đoàn liền bước sang đó và hỏi: “Xoài bán thế nào cô? Bán ký hay bán chục”. Cô gái trả lời: “Trên thuyền khó cân lắm anh ạ. Em bán chục”.
Chục mà cô gái nói là mười sáu quả. Thực tế, người mua muốn thêm một hai quả nữa (tức mười bảy, mười tám quả...) cũng không sao. Thấy tôi ngạc nhiên, cô gái mỉm cười: “Trái cây trong vườn mình... bán sao cũng được. Vui vẻ là chính”. Văn hóa chợ nổi, văn hóa sông nước miền Tây là đây chăng?
Phong cách mua bán của người miền Tây thật thú vị. Đó là cách mua bán rất “thị trường”, nhưng cũng rất văn hóa, rất vui. Đúng như cô gái bán xoài nói: “Trái cây trong vườn mình... bán thế nào chả được. Vui vẻ là chính”.
Những chiếc ghe chở nặng trái cây đặc sản của miệt vườn. Ảnh: Phong Lan
Người miền Tây đã linh hoạt biến chợ nổi thành một môi trường sinh hoạt, giao lưu văn hóa độc đáo. Hình thức họp chợ, cách mua bán của chợ nổi miền Tây cho ta cảm giác na ná như mọi vùng miền trong cả nước. Đến chợ là để mua và bán, nhưng chỉ ở miền Tây mới có cảnh:
“Đạo nào vui bằng đạo đi buôn
Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”.
Buôn bán trở thành một cái “đạo” thì thật là kỳ diệu! “Đạo”, đừng hiểu lầm là tôn giáo, tín ngưỡng. “Đạo” này thiên về góc độ: đạo lý, triết lý, cách thức, phương pháp như đạo làm người, đạo làm cha, đạo làm con....
Buôn bán trở thành “đạo” chỉ có ở miền Tây. Cái “đạo” đó vượt qua mọi quy định lỗi thời của nền kinh tế tập trung. Nhớ lại thời bao cấp, trong khi các tỉnh thành phía Bắc đều cho rằng những người đi buôn là “gian thương”, thì ở phía Nam, Giám đốc một Công ty Lương thực đi “buôn gạo” từ miền Tây về cứu đói cho dân thành phố.
Các tỉnh ở miền Tây như Long An, An Giang cũng tiến hành mua bán sòng phẳng không chèn ép người nông dân, mua bán theo giá thỏa thuận, phân phối theo giá thị trường và rộng rãi đến mọi người.
Như vậy mua bán chẳng phải cái “đạo” là gì? Nhờ mua bán phải “đạo” nên An Giang - một tỉnh cung cấp hàng hóa nông sản quan trọng bậc nhất ở miền Tây, nơi phát triển mạnh nền kinh tế hàng hóa, là đầu mối giao thương giữa Việt Nam với Campuchia.
Đất và người miền Tây đã để lại thật nhiều ấn tượng trong tôi. Chiếc du thuyền của chúng tôi lững lờ trong chợ nổi Cái Răng. Một chút bồng bềnh, một chút thi vị lãng mạn như len lỏi trong tâm tưởng vốn nhiều mơ mộng của một cô gái Hà thành như tôi.
Những cánh hoa lục bình tím nhạt gợi lại một chút hoài niệm xa xưa về những con người và vùng đất miền Tây vừa quen vừa lạ này. Hầu như, người miền Tây không bị ràng buộc và phụ thuộc gì, ngoài tình cảm với quê hương, với quá khứ, nên họ dễ tiếp thu và hình thành những tư tưởng, phong cách, văn hoá mới. Nét văn hóa độc đáo đó tồn tại từ hàng trăm năm nay... và đang “di truyền” qua bao thế hệ tiếp nối.
Chiếc du thuyền vẫn bồng bềnh trôi... Tôi không dám lý giải, hoặc không đủ sức để lý giải những tình cảm và sự nhìn nhận của mình. Một sự so sánh chợt đến, dù biết mọi sự so sánh thường ít chính xác và khập khiễng.
Nếu như Hà Nội có vẻ đẹp duyên dáng, tha thướt và cổ kính, thì miền Tây quyến rũ bởi nét mạnh mẽ, phóng khoáng. Hà Nội giống như một người nội trợ đảm đang duy trì sự ổn định của gia đình, còn miền Tây lại giống một người đàn ông gân guốc, cần mẫn, chất phác đầy lo toan cho cuộc sống gia đình phát triển đi lên.
Hà Nội phù hợp với một cuộc sống ổn định, đôi khi là hơi nhàn nhã, ít sự tất bật. Miền Tây, nơi tiếp bước những giấc mơ lập nghiệp, kiếm sống, mưu sinh.
Miền Tây là vùng đất mới, một không gian sông nước, vùng đất cực Nam của Tổ quốc, ở xa mọi ảnh hưởng có nguy cơ bảo thủ, ít chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Hà Nội thì có truyền thống văn hoá lâu đời và đã chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa trong một thời gian dài.
Miền Tây và Hà Nội còn nhiều điều so sánh lắm. Nhưng tôi phải về thôi. Dù rất yêu miền Tây song Hà Nội chính là ngôi nhà, nơi gia đình tôi đang sinh sống, nơi trú ngụ cuối cùng khi mình cô đơn nhất. Còn miền Tây là hoài niệm, là khát khao... Có lẽ tôi sẽ nhớ miền Tây thật nhiều!
Phong Lan
Read More...