Tâm Sự Của 1 Bạn Du Lịch 1 Ngày Tại Cù Lao Chàm
written by Nguyễn Đức Tài
at Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014
Cù Lao Chàm là 1 nơi đến, các bạn cũng nên ghé qua khi đến Đà Nẵng. Nơi đây cũng có nhiều điều thú vị để khám phá. Một bạn đã đến và tâm sự khi ghé 1 ngày tại Cù Lao Chàm. Sau đây là câu chuyện của bạn đó
Chuyến tham quan cùng anh rể, chị gái và cháu gái trong tháng 11/2012 vừa rồi, giờ mới kể.
Tầm cuối tháng 11 dương lịch ở miền Trung, thời tiết đã bắt đầu có mưa, hoặc nếu không mưa thì trời cũng cứ âm âm u u và trở lạnh rồi. Nhưng năm ngoái là một năm lạ lùng. Khi ấy, tôi vừa nghỉ việc ở Sài Gòn, về quê chơi, rồi ra chị ở Quảng Nam chơi. Thời tiết Bình Định và Quảng Nam lúc đó chẳng những không mưa mà còn nắng chan chan, và nóng thôi là nóng. Vậy mới thấy, con người ngày càng tác động đến thiên nhiên vì lòng tham và sự thiếu ý thức của mình, rồi chính chúng ta lại phải lãnh đủ hậu quả do chúng ta gây nên.
Nhà chị tôi ở huyện Điện Bàn, cách Hội An 7 km và cách Đà Nẵng 35 km. Lần nào ra cũng tranh thủ đi hai nơi đó. Nhưng Cù Lao Chàm thì chưa đi bao giờ, ngay cả vợ chồng anh chị cũng vậy, nên chị rủ sẵn đang rảnh nên đi cho biết.
Vậy mà sáng đó trời đổi âm u, chạy xe máy trên đường thì bắt đầu mưa lất phất, may tới bến tàu đi ra cù lao thì trời tạnh.
Trời vừa mưa xong, vẫn còn xám xịt.
Lúc đầu chúng tôi định đi “bụi”, nhưng ra tới đó, gặp một anh hướng dẫn viên, kiêm bán tour, được chào mời, chúng tôi quyết định mua tour ghép đoàn, giá là 450.000 đ/ người lớn. Nếu mua tour ở công ty du lịch từ Hội An, có xe đón từ khách sạn tới bến tàu thì giá sẽ là 550.000 đ/ người. Giá bao gồm hướng dẫn viên, tàu ra đảo và một bữa ăn trưa trên đảo.
Lên thuyền ra đảo. Cù Lao Xanh là tên công ty du lịch tổ chức chuyến đi này.
Vợ chồng anh chị và cháu gái. Bên cạnh là mấy anh bộ đội và nhân viên khảo cứu đi ké.
Chúng tôi đi chung đoàn với ba anh chị này đây.
Tour khởi hành từ 8g30.Tàu chạy rất nhanh, chừng 30 phút thì tới. Tuy nhiên, chúng tôi đi trong thời tiết không được tốt, vừa mưa xong, nên ngoài biển sóng mạnh, vỗ dồn dập. Mấy anh chị đi chung ngồi ở đầu thuyền bị sóng dập tơi tả như chơi trò chơi cảm giác mạnh. Bạn nào bị say xe, thì đây mới là say sóng đúng nghĩa.
Ra tới Cù Lao Chàm rồi đó.
Chỗ neo đậu thuyền.
Tranh thủ chụp pô hình.
Cù Lao Chàm là điểm du lịch sinh thái nên việc bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Trong ảnh là tấm biển nhắc nhở du khách không được mang hay xả túi nylon lên đảo.
Điểm dừng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là bảo tàng giới thiệu tổng quan. Anh hướng dẫn viên hỏi mọi người rằng có ai biết vì sao gọi là “Cù Lao Chàm” hay không, mà chẳng ai biết. Lời giải thích của anh tôi cũng quên mất. Nhưng theo một tài liệu trên mạng, đó là vì đây là “nơi đồng bào Chàm sinh sống, có cây chàm để nhuộm vải và trên đảo rất ít người, mọi người ở đảo hay ngồi thành chòm. Tiếng Quảng Nam gọi thành chùm. Cù lao có nghĩa là đảo, khi ghép lại trở thành tên Cù lao Chàm là thế“.
Một số thông tin cơ bản về Cù Lao Chàm:
- “Là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km, cách trung tâm Hội An khoảng 20 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông, tổng diện tích trên 15 km2 với 90% là rừng.
- Dân cư sống tập trung ở Hòn Lao, tổng dân số theo số liệu 2012 khoảng 3.000 người, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản.
Đường xá trên đảo
- Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
- Nơi đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ“.
Du khách được đưa đi một vòng, hòa mình vào cuộc sống với dân địa phương. Điểm dừng đầu tiên là giếng cổ.
Hướng dẫn viên (áo sơ mi ca rô bên trái) đang giảng giải về giếng cổ với du khách.
“Giếng cổ Chăm (còn gọi là giếng cổ xóm Cấm), được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2006, là công trình quan trọng phục vụ đời sống của dân đảo. Các nhà chuyên môn cho rằng giếng xóm Cấm có thể được xây dựng từ cách đây khoảng 200 năm. Điểm đặc biệt nhất ở giếng này là nước không bao giờ cạn, cho dù vào mùa khô kiệt nhất“.
Một người dân địa phương đang giặt quần áo bên thành giếng. Mấy cảnh này chắc khách du lịch nước ngoài thích lắm, còn đối với khách Việt Nam thì thấy bình thường.
“Theo người dân nơi đây, nước giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm mà bị say sóng thì chỉ cần lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của cù lao rồi uống vào là hết say“.
Nhân nhắc đến lá rừng, đây là loại lá được người dân hái, phơi khô, nấu nước uống với tác dụng thanh nhiệt. Nó cũng được bán cho du khách như đặc sản của Cù Lao Chàm, bên cạnh các loại hải sản, bánh ít lá gai, dứa dại, hay võng ngô đồng.
Lá rừng, hình như là 30.000 đ/ bịch
Lại nói về võng ngô đồng, đây là loại võng được đan thủ công, rất chắc và bền, dùng được cả mấy chục năm.
“Không một ai ở Cù Lao Chàm biết được nghề đan võng và se sợi cây ngô đồng có từ bao giờ. Mỗi chiếc võng làm mất hai tháng, có khi còn nhiều hơn. Được đan bằng sợi vỏ cây ngô đồng, một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên rất nhiều trên những cánh rừng của đảo Cù Lao Chàm. Cành ngô đồng mang về được chặt ngắn thành từng khúc, mỗi khúc dài từ 40cm trở lên. Dùng cán dao quắm đập giập vỏ cây rồi lột ra khỏi thân. Mang những vỏ ấy ngâm dưới suối mười ngày cho nát hết phần vỏ thịt. Thứ còn lại là xơ màu trắng như ngọc trai. Giặt sạch, phơi khô, tước nhỏ rồi xe lại dùng dần“.
Có lẽ chính vì độ bền của chiếc võng và công sức của người làm ra mà chiếc võng được bán rất đắt. Lúc đi ngang qua một hàng bán lá rừng, có một chiếc võng được rao bán với giá 2 triệu đồng. Tính ra, làm một chiếc võng ròng rã mất 2 tháng trời, bán được 2 triệu đồng, thì sức lao động của con người vẫn rẻ quá!
Đoàn tiếp tục đi, ngang qua một chú dân địa phương đang ngồi chẻ trái dứa dại.
Trái này được dùng để chữa bệnh, nhất là bệnh tiểu đường, và trên đảo dân địa phương vẫn hái phơi khô bán cho du khách có nhu cầu.
“Dứa dại mọc hoang ở nhiều nơi. Một số địa phương người ta dùng đọt non để ăn; phần trắng và mềm của cuống lá đôi khi cũng được dùng để ăn. Ngoài quả, các bộ phận khác như nõn hoa, rễ đều có thể sử dụng làm thuốc. Theo Đông y, quả dứa dại vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, phá tích trệ, giải độc rượu… Thường dùng chữa “sán khí” (thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới), tiểu tiện khó khăn, tiểu đường, kiết lỵ, say nắng, mắt mờ…“.
Đoàn lại đi, qua một tòa nhà đang xây màu trắng, nghe nói là văn phòng nghiên cứu chống bão gì đó.
Chú trâu đen trong ảnh là một trong hai chú trâu hiếm hoi sống trên Cù Lao Chàm tính tới thời điểm 11/2012.
Điểm dừng tiếp theo là ngôi chùa cổ, đối diện tòa nhà màu trắng ở trên. Gần chùa có mấy cây lá dại mọc đẹp quá, tôi không bỏ qua cơ hội chụp ảnh. Đối với tôi, thiên nhiên hoang dại luôn là “nàng thơ” hấp dẫn nhất.
Không khí trên đảo rất thoáng mát, cây cỏ xanh tươi, cảnh quê bình yên, khiến cho tinh thần con người ta thật trở nên thư thái dễ chịu.
Tượng Phât Quan Âm đứng trên tòa sen trước cổng chùa.
Chùa cổ Hải Tạng được xây dựng cách đây trên 250 năm, đặc biệt theo Tam giáo đồng nguyên (thờ cả ba nền tôn giáo không cùng một gốc: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo), hiểu nôm na là ai theo đạo gì cũng có thể vào chùa cúng bái.
Cổng chùa Hải Tạng
“Chùa cổ Cù Lao có nhiều truyền thuyết nhưng cư dân ở đây vẫn tâm đắc nhất câu chuyện về việc xây chùa. Tương truyền các cây cột được làm từ ngoài Bắc đem về làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo ghe nghỉ lại. Sáng ra, ghe kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng sóng dậy, ghe cứ xà quần, tới lui lòng vòng không đi ra khỏi Lao. Sau có người trong đoàn lên cúng xin keo mới biết dàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là Kinh tạng của Nhà Phật đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển“.
Đúng là chùa cổ với mái ngói rêu phong. Tôi thích những ngôi chùa cổ kính, giản dị như thế này, chứ không phải những ngôi chùa mới mẻ, hoành tráng, sơn son thiếp vàng lộng lẫy lung linh ra vẻ khoa trương quá.
Cổng chùa nhìn từ bên trong.
Mái chùa… làng biển
Vì đoàn tôi ít người, tới đây, anh chàng hướng dẫn viên cho khách ngồi nghỉ ngơi, uống thử nước lá rừng mà không thuyết minh gì về chùa. Thật là…
Có một đoàn khách lớn hơn vào sau chúng tôi, chú hướng dẫn viên đoàn này là một người thấp bé, dị tật ở chân, nhưng thuyết minh bằng chất giọng Quảng Nam truyền cảm, chi tiết, mạch lạc nên được mọi người chú ý lắng nghe. Không ai bảo ai, đoàn chúng tôi đi theo nghe chú thuyết minh luôn.
Chú hướng dẫn viên dễ mến.
Công nhận, tôi thích những hướng dẫn viên như thế này, với cách giảng giải rõ ràng, lại đem ca dao thơ phú, những hiểu biết về lịch sử, văn hóa vào bài thuyết minh của mình, chứng tỏ chú là người chịu khó tìm tòi, đọc thêm tài liệu khảo cứu giúp nâng cao hiểu biết, nghiệp vụ, đó mới là người có lòng với nghề.
Ví như giảng giải của chú về đôi mắt cửa và cái ngạch cửa (xem clip):
Về đôi mắt cửa, nếu bạn đã từng đến Hội An, bạn sẽ thấy tất cả các ngôi nhà đều có đôi mắt cửa.
Đôi mắt cửa chùa cổ Cù Lao Chàm.
Về ý nghĩa, đại loại rằng nó như đôi mắt của thần linh, của tổ tiên dõi theo chúng ta. Việc xấu việc tốt mà chúng ta làm đều được dõi theo. Đây chỉ là một trong nhiều ý nghĩa của đôi mắt cửa mà tôi nghe và nhớ được.
Về cái ngạch cửa: “Kẻ ngông cuồng nghênh ngang vào nhà, chẳng thèm ngó xuống là vấp ngạch cửa mà té. Cái ngạch cửa như lời giáo huấn ông cha, vào nhà phải cúi đầu chào, nhưng bù lại thì gia chủ cũng không ngạo mạn, vì ngay giửa nhà, đối diện cái ngạch cửa, luôn là bàn thờ gia tiên, như vậy khách bước vào dù là quan quyền, cao quý thì cũng chỉ ”chào” tổ tiên để gia chủ không bị “tổn thọ”.“.
Một thuyết minh “hấp dẫn” khác của chú hướng dẫn viên tại chùa cổ:
Đoàn lại tiếp tục đi dạo. Lúc này đã trưa, nắng lên chói chang. Ngang qua chợ (đã tan), dọc bên đường là các hàng bán đồ lưu niệm và hải sản.
Hàng lưu niệm biển sơ sài.
Quầy bán cá khô các loại.
Mực một nắng, hình như 500.000 đ/ kg.
Ốc nguyệt, hình như 40.000 đ/ kg. Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn nổi tiếng về ốc vú nàng, nhưng lúc tôi đi thì không phải mùa.
Đúng ngày rằm, không biết thầy đang cúng gì đây? Thường thì dân làm nghề biển tin vào tâm linh hơn những người khác.
Trường cấp II duy nhất trên đảo. Muốn học cấp III, các em phải vào đất liền.
Tuy trời đã nắng nhưng mây còn nhiều, do đó, nước không có màu xanh như ngọc lục bảo. Nếu đi trúng ngày trời trong, chắc chắn bạn sẽ có những tấm ảnh rất đẹp về biển Cù Lao Chàm.
Nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy đáy.
Đoàn tiếp tục lên tàu đến nhà hàng cất đồ, rồi đi lặn ngắm san hô (snorkeling – chỉ lặn bằng ống thở bình thường chứ không phải dùng bình dưỡng khí).
Xuống tàu
Lại tranh thủ chụp ảnh.
Tàu lướt trên mặt biển…
Ngọn núi chúng tôi vừa rời đi kia chắc là Hòn Lao.
Trời có vẻ trong hơn.
Đẫ đến nơi lặn ngắm san hô. Chị tôi bị say sóng nhừ tử nên không tham gia trò này. Còn tôi, không biết bơi, không mang theo quần áo thay, lại thấy nước sâu (dù có áo phao), nên cũng không ham hố.
Biển đẹp chưa?
Anh hướng dẫn viên xuống thử trước
Rồi tới du khách…
Nghe mọi người nói là nước không trong lắm nên thấy sơ sơ. Cũng có thể mùa này san hô không đẹp.
Cũng đã trưa, đoàn quay về nhà hàng ăn trưa.
Bãi biển với cát trắng
Nhà hàng
Ăn trưa gồm có cá kho, gỏi rau đắng, rau rừng luộc chấm mắm nêm, canh chua và ốc nguyệt, sò mai. Nói chung bữa ăn và chất lượng tour như vậy là tốt.
Sò mai
Ốc nguyệt, gọi như thế vì miếng nắp đậy miệng ốc có hình tròn đầy như mặt trăng.
Ăn trưa xong, du khách tự do nghỉ ngơi cho đến khoảng 14g30 thì lên tàu về lại đất liền.
“Ông mặt trời”
Kết thúc chuyến đi Cù Lao Chàm
Theo ý kiến cá nhân tôi, Cù Lao Chàm là một nơi đáng để tham quan đó các bạn. Nên chọn ngày nắng tốt đi thì mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Du lịch Đà Nẵng – Hội An đúng là tuyệt, cảnh đã đẹp, con người cũng hiền hòa, mà còn có sự quan tâm phát triển du lịch theo chiến dịch lâu dài của chính quyền địa phương nữa.
Nguồn anvietnam.wordpress.com