Chợ cỏ họp giữa trưa độc nhất vô nhị ở miền Tây
written by Nguyễn Đức Tài
at Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014
Ở xã Ô Lâm (huyện Tịnh Biên, An Giang) có một chợ khá độc đáo chỉ họp vào buổi trưa và mua bán một mặt hàng duy nhất là cỏ.
Rôm rả trên bến - dưới thuyền
Chợ họp quanh năm suốt tháng, nhưng xôm tụ nhất là vào mùa nước nổi, giúp cho đông đảo người dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi có công ăn việc làm khá ổn định. Khoảng từ giữa trưa, chợ cỏ Ô Lâm mới bắt đầu đông đúc. Dưới kênh, nhiều ghe, tác ráng, xuồng máy chở cỏ từ các đồng nước xung quanh tụ về. Trên bờ thì nào xe gắn máy, nào xe ba bánh, xe bò, xe ngựa… đa phần là của người đến mua cỏ. Đa số những người mua bán ở đây đối đáp, chào mời nhau bằng tiếng Khmer.
Chợ cỏ Ô Lâm có lợi thế nối liền tuyến kênh Ninh Phước nên ghe xuồng ra vô thông thương. Từ đây có thể đi bằng đường thủy qua tận các cánh đồng ở Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) để cắt cỏ. Hơn nữa, nhờ nhiều con đường nông thôn liên xã, chợ cỏ nơi đây đã trở thành đầu mối, cung ứng cho người mua từ nhiều nơi trong và ngoài huyện Tri Tôn.
Anh Chau Tích (ngụ ở ấp Ninh Hoà, xã An Tức, huyện Tri Tôn) cho biết: “Ở đây bà con nuôi bò thả lan như là nghề truyền thống, những cánh đồng cỏ dành cho bò ăn ngày càng thu hẹp, bởi diện tích đất ruộng trên (ruộng ở các vùng đất cao, dưới chân núi) lại được khai thác sản xuất xoay vòng khép kín trong năm. Nguồn thức ăn xanh để chăn nuôi bò cũng khan hiếm dần. Mùa nước nổi đồng ngập nước cỏ càng khan hiếm hơn. Chợ cỏ vì thế cứ ngày một “nở nồi””.
“Đa số các hộ nuôi bò trong mùa nước nổi đều phải mua cỏ. Nhà tôi có nuôi 4 con bò nhưng mỗi ngày phải qua Ô Lâm mua từ 12 đến 15 bó cỏ. Ít nhất cũng qua mùa nước nổi hai, ba tháng nữa mới đỡ phải mua cỏ”, anh Chau Tích cho hay.
Cải thiện thu nhập đồng bào phum, sóc
Ô Lâm xuất hiện chợ cỏ và tồn tại hơn chục năm nay cũng chính vì những yếu tố thiên thời địa lợi như thế. Nhiều người dân Khmer ở gần chợ này cho biết, từ khi chợ hình thành đến giờ chưa thấy cỏ ế… bao giờ.
Anh Chau Nap (ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) mồ hôi nhễ nhại cho biết: “Hàng ngày, với chiếc tắc ráng nhỏ vợ chồng anh phải thức từ 3 - 4h sáng, nấu cơm đem theo, chạy qua tới Nông trường tràm Hòn Đất cắt được 80 bó cỏ, bán trung bình 2.500 đồng/bó, trừ tiền xăng kiếm được cũng tròm trèm 150.000 đồng”.
Còn chị Neáng Ây (ở ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm) thì kể: “Số lượng cỏ cắt được mỗi buổi không chừng đỗi, dao động từ 80 đến 100 bó/buổi/2 người (khoảng 5 kg/bó). Hôm nào bắt gặp đám cỏ nhiều và cắt giỏi thì có hơn đôi chút. Cực thiệt, nhưng tính ra mình mần chỉ có một buổi, còn một buổi ở nhà coi bò, vừa chăm sóc ruộng rẫy chút ít. Đỡ tốn chi phí ăn và vốn cũng ít, chủ yếu là cái lưỡi hái (công cụ cắt cỏ) cho bén”.
Ông Chau Ty - Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho hay: “Việc cắt cỏ về bán ở Ô Lâm được xem như là mô hình làm ăn mùa nước nổi ở miền núi, vùng đồng bào Khmer của huyện Tri Tôn. Đây cũng có thể xem là mô hình “sống chung với lũ”. Nhờ có chợ cỏ Ô Lâm mà nhiều lao động trong các phum, sóc của xã có thêm việc làm, cải thiện thu nhập gia đình trong thời gian chờ thu hoạch lúa ruộng trên”.
Việc cắt cỏ về bán ở Ô Lâm được xem như là mô hình làm ăn mùa nước nổi ở miền núi, vùng đồng bào Khmer của huyện Tri Tôn. Đây cũng có thể xem là mô hình “sống chung với lũ”. Ông Chau Ty - Chủ tịch UBND xã Ô Lâm.